0

Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em | Safe and Sound

Rối loạn lo âu chia ly có thể hình thành ở những trẻ mà mối lo ngại tự nhiên về việc bị chia tách khỏi bố mẹ, người chăm sóc chính, hay nhà mình. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ từ 8 - 12 tháng tuổi và thường biến mất khi trẻ được 2 tuổi. Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em có thể cải thiện sau khi được thăm khám và điều trị theo phác đồ của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Cộng đồng và Phát triển 

1. Rối loạn lo âu chia ly là gì?

Lo âu chia ly là nỗi sợ hãi phải chia xa, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn khi họ nghĩ về việc rời xa những người mà họ gắn bó. Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, rối loạn lo âu chia ly là một phản ứng thích nghi bình thường giúp trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi có được sự an toàn trong thời gian phát triển năng lực được đầu với môi trường xung quanh. Tuy nhiên, nó có thể trở thành một vấn đề nếu tiếp diễn quá 4 tuần và can thiệp vào các hành vi phù hợp với độ tuổi của trẻ. Hội chứng thường xảy ra ở trẻ từ 8 - 12 tháng tuổi và thường biến mất khi trẻ được 2 tuổi.

2. Dấu hiệu của rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em

Ảnh 1: Sự lo âu quá mức về việc chia ly khiến trẻ đeo bám lấy người thân/người chăm sóc

  • Lo lắng, đau buồn quá mức về việc phải xa bố mẹ, người thân
  • Từ chối xa nhà vì sợ chia ly, không muốn ở nhà một mình, không muốn đi học vì sợ bố mẹ
  • Đau đầu, đau dạ dày, chóng mặt, choáng váng, đau bụng, các triệu chứng giống cảm cúm. Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần cho biết, ở trẻ lớn và thanh thiếu niên, có thể có các triệu chứng điển hình về tim mạch và hô hấp như đau ngực, hồi hộp, chóng mặt, choáng váng, nghẹt thở hoặc các triệu chứng khác khi tách khỏi bố mẹ hoặc người thân.
  • Rối loạn lo âu chia ly có thể liên quan đến rối loạn hoảng loạn
  • Lo lắng kéo dài về điều xấu sẽ xảy ra với bố mẹ hoặc người thân nếu trẻ rời xa
  • Không chịu đi ngủ mà không có bố mẹ bên cạnh hoặc ngủ xa nhà. Thường xuyên gặp ác mộng về sự chia ly
  • Thường xuyên nổi giận hay nài nỉ

3. Nguyên nhân gây rối loạn lo âu chia ly

Nguyên nhân chính xác gây rối loạn lo âu chia ly hiện tại vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên người ta đã nhận định được các yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng này ở trẻ như:

  • Di truyền: Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, trẻ có nguy cơ bị rối loạn lo âu chia ly cao hơn nếu có người thân mắc chứng bệnh này. Ngoài ra khi sinh sống với người bị rối loạn lo âu, trẻ cũng sẽ hình thành tâm lý lo âu quá mức về một số đối tượng, vấn đề và tình huống trong cuộc sống.
  • Sự bao bọc quá mức của gia đình: Đa phần những trẻ mắc chứng bệnh này thường được gia đình bao bọc quá mức dẫn đến lo sợ khi phải chia tách và đối mặt với những tình huống xa lạ. Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần khuyến cáo, sự bao bọc quá mức cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội và các dạng rối loạn nhân cách.

Ảnh 2: Sự bao bọc quá mức từ gia đình làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu

  • Các sự kiện gây căng thẳng, tổn thương tâm lý: Bên cạnh yếu tố di truyền, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần cho biết, rối loạn lo âu chia ly ở trẻ cũng có thể khởi phát sau khi trải qua những sự kiện gây căng thẳng như thay đổi môi trường sống, bệnh tật, mất mát người thân, đối mặt với tai họa,… Những sự kiện này khiến trẻ lo lắng về việc bị chia tách với người thân trong gia đình.
  • Tính cách của trẻ: Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu chia ly cao hơn ở trẻ có dạng tính cách hay lo lắng, căng thẳng, nhút nhát, tự ti, nhạy cảm và dễ tổn thương. Trong khi trẻ có tính cách hoạt bát, cởi mở và vui vẻ dễ dàng hòa nhập với môi trường mới nên tỷ lệ mắc chứng bệnh này cũng giảm đi đáng kể.

4. Điều trị rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em

Tình trạng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em đa phần sẽ thuyên giảm khi bé bước sang tuổi thứ 2. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ không thể tự khỏi mà cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần. Một số phương pháp điều trị chứng bệnh này như:

4.1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp nhận thức - hành vi là một phương pháp trị liệu tâm lý hiệu quả giúp cải thiện các triệu chứng bệnh một cách an toàn và hiệu quả. Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần sẽ sử dụng một số kỹ thuật chuyên môn để có thể thay đổi được nhận thức của trẻ về việc chia ly. Đồng thời giúp cho bệnh nhân có thể ứng phó được tốt hơn với những nỗi lo lắng, sợ hãi khi phải rời xa bố mẹ, người thân. Từ đó, giúp cải thiện chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em một cách tự nhiên và an toàn.

Ảnh 3: Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị hội chứng rối loạn lo âu chia ly

4.2. Sử dụng thuốc

Đối với những tình trạng bệnh nặng, các biểu hiện lo âu, căng thẳng xuất hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn thì cần đến sự can thiệp của một số loại thuốc điều trị. Sau khi tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh cho trẻ, các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý sẽ kê đơn thuốc điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Một số loại thuốc được chỉ định sử dụng cho tình trạng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em như:

  • Thuốc chống trầm cảm: Đối với những bệnh nhân có kèm theo triệu chứng ám ảnh thì thường được chỉ định dùng anafranin. Còn Amitriptilin sẽ được kê đơn thuốc cho các trường hợp bệnh có kèm triệu chứng trầm cảm hoặc than phiền nhiều về cơ thể.
  • Nhóm thuốc giải lo âu: Tùy vào độ tuổi và thể trạng của người bệnh mà các chuyên gia sẽ hướng dẫn liều dùng phù hợp. Một số loại thuốc được áp dụng như Benzodiazepam (Seduxen, Tranxen,…) hoặc Atarax.

4.3. Hỗ trợ điều trị và cải thiện tại nhà

Bên cạnh các biện pháp điều trị chuyên khoa từ bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý, căn bệnh rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em cần được sự hỗ trợ từ bố mẹ, người thân trong gia đình. Các bậc phụ huynh nên áp dụng các phương pháp sau để ngăn chặn và cải thiện tốt các triệu chứng lo âu của trẻ.

  • Trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ tết,… phụ huynh nên tạo ra sự tách biệt với trẻ như cho trẻ đến nhà bạn bè vui chơi, đến thăm nhà họ hàng trong khoảng vài ngày. Các kế hoạch cách ly này sẽ giúp trẻ hình thành sự độc lập và tránh tình trạng lo âu, căng thẳng quá mức khi phải rời xa người thân để quay lại trường học.
  • Trao đổi với giáo viên về tình trạng bệnh lý của bé để nhận được sự hỗ trợ. Với trẻ gặp phải vấn đề này, giáo viên cần có sự chăm sóc đặc biệt để trẻ giảm sự lo lắng, căng thẳng và dễ dàng hòa nhập với bạn bè. Ngoài ra, giáo viên cũng cần khuyến khích trẻ tự thực hiện một số hoạt động để rèn luyện tính tự lập và dạn dĩ hơn.

Ảnh 4: Nhà trường cũng cần có sự quan tâm đến trẻ bị rối loạn lo âu chia ly để giúp trẻ vượt qua chứng bệnh

  • Gia đình cũng cần khuyến khích trẻ khám phá những điều mới trong cuộc sống và kết bạn. Điều này sẽ giúp trẻ mở rộng mối quan hệ và không gò bó trong sự gắn kết với những thành viên trong gia đình.
: Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound